Loay hoay bài toán Xây dựng thương hiệu nông sản

vaithanhha1Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản gắn liền với những địa danh nổi tiếng như: vải Thanh Hà, càphê Buôn Ma Thuột, bưởi Diễn, nhãn lồng Hưng Yên...Nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa như: bưởi Đoan Hùng, chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Ha...

Gần đây, câu chuyện để “mất” những thương hiệu nông sản nổi tiếng đang đặt ra những vấn đề lớn. Việc giải bài toán thương hiệu hiện nay đã trở thành vấn đề mang tầm quốc gia.

Loay hoay bài toán thương hiệu

Tại Hội thảo “Các nhà khoa học với việc bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam” do Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Câu lạc bộ báo chí Vusta và Câu lạc bộ các nhà báo khoa học và công nghệ tổ chức vào ngày 8.11 vừa qua, nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng, nhiều thương hiệu đã bị mất tại chính nơi xuất xứ. Chẳng hạn như quả vải Thanh Hà (Hải Dương) được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý đã đem lại thêm giá trị tài sản cho sản phẩm này. Tuy nhiên, người dân Thanh Hà và quả vải Thanh Hà thực sự chưa được hưởng. Rất nhiều nơi trồng vải đã lạm dụng “khoác” chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho quả vải trồng ở nơi khác để bán với giá cao. Thậm chí, tại Quảng Đông (Trung Quốc) người dân còn đua nhau trồng vải để bán dưới nhãn hiệu Thanh Hà.

Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà thừa nhận, quả vải Thanh Hà đang bị làm nhái và bán tại chính quê hương của nó mà chính quyền địa phương cũng không có cách gì kiểm soát nổi. Ông Loãn khẳng định: “Đi đến bất cứ nơi nào và mua vải ở đâu cũng được giới thiệu là vải thiều Thanh Hà - thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã bị lạm dụng”. Mặc dù là một trong số ít hàng hóa được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 nhưng để chỉ dẫn “Thanh Hà” thực sự trở thành tài sản trí tuệ cho người sản xuất và kinh doanh vải thiều không phải là chuyện dễ. Cái khó ở đây bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân vùng trồng vải Thanh Hà.

Mặc dù Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã thành lập được gần 4 năm nhưng đến nay mới có 350 hội viên và quản lý 49ha vải trên hơn 5000ha vải thiều của cả huyện. Các hoạt động quảng bá, tuyên truyền cho thương hiệu này cũng chỉ dừng lại ở các cấp, ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ chứ chưa có sự vào cuộc của các cấp, ngành cao hơn. Mặt khác, nhiều thành viên trong hiệp hội cũng không gắn nhãn hiệu, logo gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đã được đăng ký bảo hộ để người tiêu dùng nhận biết và phân biệt.

Không riêng gì quả vải Thanh Hà mà còn rất nhiều các nhãn hiệu nông sản có giá trị ở nước ta đang bị vướng trong việc bảo hộ thương hiệu. Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến các thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như càphê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… bị nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu. Dường như chúng ta vẫn đang còn nhiều lúng túng trong việc giải bài toán xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho những sản phẩm nông sản của mình.

Không thể chậm trễ hơn

Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng: “Đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều”. Thực tế cho thấy việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở nước ta còn tồn tại rất nhiều bất cập. Những vụ việc như đánh mất những chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản không còn là câu chuyện mới nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng này là vấn đề không đơn giản. Đã đến lúc chúng ta cần có những nhận thức rõ ràng và bắt tay ngay vào việc xây dựng thương hiệu cho những nông sản nổi tiếng của mình.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Minh, thương hiệu không đơn giản là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm đó. Thương hiệu bao gồm cả những gì doanh nghiệp đạt được như danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm trong quá trình lâu dài xây dựng thương hiệu từ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký cho sản phẩm của mình. Như vậy, không thể đồng nhất chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu với thương hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, việc “đánh mất” nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý có thể gây ra nguy cơ mất thương hiệu, mất những gì chúng ta đã đạt được từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu

TS Đỗ Gia Phan, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: “Thương hiệu sống được trong tâm trí người tiêu dùng mới là điều quan trọng. Cho nên, việc xây dựng thương hiệu chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng thương hiệu có uy tín. Trong thời đại hội nhập hiện nay, việc xây dựng và phát triển được một thương hiệu không đơn giản. Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, hiện nay mới có khoảng 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng”. Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng xây dựng và bảo vệ được thương hiệu của các hàng hóa nông sản ở nước ta. Nhiều địa phương đã chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng thương hiệu nhưng kết quả đạt được còn rất nhỏ.

Trong thời gian vừa qua, nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng bị đánh cắp là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. Bảo hộ sở hữu trí tuệ có một nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Vì vậy, nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác. Việc chúng ta không đăng ký ở một nước khác đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước họ và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký. Do đó các doanh nghiệp cần chủ động xác định, chọn thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm của mình.

Cũng theo ông Đỗ Gia Phan, nếu các doanh nghiệp, địa phương không bảo vệ thương hiệu của mình thì chính người tiêu dùng trong nước cũng không tín nhiệm. Nếu các doanh nghiệp không muốn bị mất thương hiệu của các sản phẩm nông sản thì cần dành kinh phí cho các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc này cần được làm ngay.

Cơ quan chức năng phải vào cuộc

Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu là trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức tập thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng các doanh nghiệp thì chưa đủ mà cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trung ương - đó là nhận định của TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc nhận thức vấn đề sở hữu trí tuệ ở nước ta còn rất hạn chế, đa số người dân chưa thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sỡ hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình. Mặt khác, sản xuất nông sản ở nước ta vẫn chủ yếu theo hình thức đơn lẻ nên để người nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Cục Sở hữu Trí tuệ và các Sở Khoa học - Công nghệ địa phương nên hướng dẫn hỗ trợ về thủ tục đăng ký. Cùng với đó, các công ty, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp có thể cung cấp các dịch vụ tiến hành thủ tục cần thiết để nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản nổi tiếng ở nước ta được đăng ký ở những nước cần thiết. “Một điều rất quan trọng trong việc bảo hộ thương hiệu là khi có trường hợp các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của ta bị doanh nghiệp  nước ngoài đăng ký bảo hộ chúng ta không nên đưa ra các thông tin, nhận định quan ngại trên các phương tiện thông tin đại chúng quá nhiều. Việc cần làm là các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng với các doanh nghiệp, các địa phương tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời để bảo vệ thương hiệu sản phẩm có nguy cơ bị mất” - ông Tạ Quang Minh nhấn mạnh.

Khi một nhãn hiệu “bị mất” chúng ta cần làm những việc sau để lấy lại:

- Tiến hành các thủ tục để có thể đình chỉ (với căn cứ là nhãn hiệu của họ không thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ hoặc chủ nhãn hiệu thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu với mục đích không lành mạnh) hoặc hủy bỏ (với căn cứ là nhãn hiệu đó không được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian luật định) hiệu lực nhãn hiệu đã được đăng ký của người khác và đăng ký nhãn hiệu của mình. Nếu thủ tục đình chỉ (hoặc hủy bỏ) thành công thì khả năng nhãn hiệu của mình được đăng ký (được “lấy lại”) là co.

- Thỏa thuận để mua lại nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu.

- Ngoại giao để chủ nhãn hiệu từ bỏ nhãn hiệu, mở đường cho ta đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quy định. Phương án này cần có sự tham gia của nhiều cơ quan và thủ tục phức tạp. Hơn nữa liên quan đến quyền dân sự mà yêu cầu sự tham gia của các cơ quan nhà nước thì không phù hợp với bản chất quan hệ. Thực tế cũng cho thấy một số nhãn hiệu của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở thị trường nước ngoài, nhưng biện pháp sử dụng phương pháp ngoại giao để đòi lại cũng không dễ dàng thực hiện.

Phạm Ngọc

Nguồn: Lao động

Comments powered by CComment