Học cách bảo hộ thương hiệu của Beyonce và Jay-Z

beyonceHãy xem cặp đôi vàng của Hollywood bảo vệ thương hiệu tên con gái yêu của họ thế nào nhé.

Cuối tháng 1 vừa qua, cặp đôi giàu nhất Hollywood Beyonce và Jay-Z đã đến Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ để đăng ký thương hiệu Blue Ivy Carter - tên họ cô con gái mới một tháng tuổi của họ - cho một loạt các sản phẩm và dịch vụ, từ quần áo đến giải trí. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận.

Một số người chỉ trích đây là một trò kinh doanh ranh mãnh, mục đích là kiếm tiền từ cô con gái của cặp đôi nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu biết một chút về phương thức hoạt động của hệ thống thương hiệu ở Mỹ thì có thể thấy đây là những nỗ lực để ngăn chặn người khác kiếm tiền trên thanh danh của đứa trẻ hơn là chủ đích tự họ làm thế.

Dễ thấy rằng công ty BGK Trademark Holding của Beyonce không phải là chủ thể đầu tiên đăng ký thương hiệu Blue Ivy Carter. Mới vài ngày sau khi cô con gái của cô ca sỹ này chào đời, một cá nhân ở New Jersey đã nộp đơn đăng ký thương hiệu Blue Ivy Carter NYC cho các sản phẩm quần áo trẻ em. Không lâu sau thì một công ty ở Long Island cũng đăng ký thương hiệu cùng tên cho các sản phẩm nước hoa của họ.

Phải đến chuyện người khác đang tìm cách kiếm tiền bằng cái tên của cô con gái yêu đã trở nên rõ như ban ngày thì công ty BGK của Beyone mới đệ đơn xin đăng ký độc quyền thương hiệu Blue Ivy Carter hòng ngăn chặn ý định trục lợi của những người khác.

Việc đăng ký độc quyền thương hiệu tên con gái là chuyện riêng tư của của Beyonce và Jay-Z. Họ có toàn quyền làm thế mà chẳng ai có thể chê trách họ. Đây cũng là bài học nhỡn tiền cho những chủ doanh nghiệp nào muốn phòng ngừa những vụ tranh chấp thương hiệu trong tương lai.

1. Thương hiệu và những người nổi tiếng: Trước hết, những người nổi tiếng luôn có lợi thế gấp nhiều lần bạn trong việc đăng ký thương hiệu. Cứ thử đi đăng ký tên danh thủ Tim Bow xem? Bản thân tôi đã thử nhiều lần mà chẳng bao giờ được. Tương tự, những cái tên như Charlie Sheen, Sarah Palin bạn cũng phải quên ‘khẩn cấp’.

Tại sao vậy? Câu trả lời chỉ có ba từ duy nhất: gây nhầm lẫn. Bạn không được phép đăng ký những nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên của người khác, nhất là những danh nhân, những người nổi tiếng. Như vậy, nếu đạt đến ‘tầm cỡ’ nào đó, tên bạn coi như cũng được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu dù bạn có đăng ký hay không. Nếu ai đó ‘lăm le’ sử dụng tên bạn làm nhãn hiệu, họ cũng khó lòng mà có thể đăng ký chính thức với cơ quan sở hữu trí tuệ được.

Nhưng nổi tiếng đến mức nào thì mới được bảo hộ? Tonya Harding có nổi tiếng không? Dĩ nhiên là có rồi, cô ấy là nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật Mỹ tham gia Thế vận hội kia mà. Paris Hilton có nổi tiếng không? Quá đi chứ. Michael Jordan thì thế nào? Ai mà chẳng biết anh ấy. Chẳng có quy định cụ thể thế nào là nổi tiếng. Tuy nhiên, chỉ cần tên bạn được tương đối nhiều người biết đến là đã được lọt vào danh sách bảo hộ và chẳng ai có quyền đăng ký độc quyền tên đó nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bạn.

2. Đăng ký nhãn hiệu có ý định sử dụng: Không rõ quy định này có ở Việt Nam hay không. Tuy nhiên, nếu ở Mỹ, bạn hoàn toàn có thể làm được điều này nếu muốn bảo hộ thương hiệu của mình.

Theo quy định trước kia ở Mỹ, bạn phải sử dụng một thương hiệu nào đó một thời gian rồi thì mới được đăng ký bảo hộ. Như Coca Cola, nếu họ muốn độc quyền câu khẩu hiệu đầy tính hình tượng “Coke Adds Life” (Coca cola cho cuộc sống), họ phải sử dụng nó đã rồi mới đăng ký.

Trong trường hợp này, điều gì có thể xảy ra? Thông thường, khi một công ty lớn như Coca Cola muốn trình làng một câu khẩu hiệu mới, họ phải huy động một lực lượng đông đảo tham gia công tác chuẩn bị, từ đội ngũ marketing cho đến bộ phận sản xuất cho đến các cấp ‘bật đèn xanh’. Như vậy, từ ngay từ lúc chưa sử dụng thì đã có cả ngàn người biết về câu khẩu hiệu đó rồi.

Những kẻ trục lợi trơ tráo chỉ chờ đến đúng ngày ra mắt câu khẩu hiệu là lập tức chạy đến Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ để nộp đơn đăng ký bảo hộ “Coke Adds Life”, nói họ đã sử dụng nhãn hiệu này được vài tháng. Lúc ấy, Coca Cola có muốn đổi sang câu khẩu hiệu khác thì cũng đã quá muộn. Họ đành phải bấm bụng trả tiền cho những kẻ đã đăng ký trước đó để tiếp tục sử dụng thứ mà họ đáng lẽ người có bản quyền hợp pháp.

Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, cách đây nhiều năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua một điều khoản cho phép các tổ chức và cá nhân đăng ký bảo hộ trước những nhãn hiệu mà họ có ý định sẽ sử dụng. Bằng cách này, họ có thể bảo vệ nhãn hiệu của họ khỏi những kẻ ‘đục nước béo cò’ cho đến khi chính thức sử dụng nhãn hiệu đó và đăng ký độc quyền.

Quay lại trường hợp của Beyonce và Jay-Z, có hai bài học về thương hiệu bạn có thể rút ra cho mình. Thứ nhất, bạn không thể dùng tên người nổi tiếng làm thương hiệu trừ khi bạn được người đó cho phép. Ngược lại,  nếu bạn là người nổi tiếng, bạn nghiễm nhiên nhận được sự bảo hộ của luật pháp về mặt nhãn hiệu. Thứ hai, (điều này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp), nếu bạn có một thương hiệu mà bạn định sẽ sử dụng tại Mỹ, hãy đăng ký bảo hộ với Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp bạn bảo lưu quyền sử dụng thương hiệu và ngăn chặn người khác vô tình hay hữu ý “nẫng tay trên” của mình.

Học Làm Giàu

Comments powered by CComment