Các chiêu thức câu khách bằng giá cả

Đừng bao giờ đánh giá thấp các chiêu trò những thương hiệu bán lẻ nghĩ ra để dụ bạn tiêu tiền nhiều hơn. Tất cả các yếu tố, từ vị trí sắp xếp hàng, âm nhạc, đến cả mùi hương trong cửa hàng đều được lựa chọn có dụng ý để khiến bạn rút hầu bao mạnh tay hơn.

Tuy nhiên, chiến lược hiệu quả nhất mà các thương hiệu bán lẻ sử dụng là “làm giá”. Họ biết rằng kể cả những khách hàng lọc lõi nhất nhiều khi cũng không hiểu hết được sự phức tạp của giá cả bán lẻ.

Tạp chí Daily Worth đã bóc mẽ 5 chiêu làm giá mà các thương hiệu bán lẻ hay sử dụng để “đánh lừa” khách hàng.

CT1

1. GIÁ HẤP DẪN:

Một trong những chiêu phố biến nhất là lùi nhẹ giá, đôi khi được nhắc đến với các tên “giá hấp dẫn”.

Các nghiên cứu cho thấy, những mặt hàng có giá 0.99USD hoặc 0.95USD bán chạy hơn rất nhiều so với mặt hàng tương tự có giá 1USD.

Hiện tượng này được đặt tên là “hiệu ứng số bên trái”, trong đó chúng ta để ý tới số bên trái số thập phân nhiều hơn khi đi mua hàng.

2. THỔI GIÁ:

Ai cũng biết giá bán ra cao hơn chi phí, nhưng chúng ta không ý thức được mức đội giá là bao nhiêu.

Với những tag giá thông thường với tên “giá bổ sung chi phí”, chúng cộng thêm lãi cận biên và chi phí sản xuất mặt hàng đó, bao gồm các chi phí hoạt động và chi phí thị trường sẵn sàng trả.

Thêm vào đó, nhiều mặt hàng sẽ được giảm giá vào cuối mùa, nên một vài thương hiệu đã cộng luôn phần sale off sau này vào giá ban đầu, nên với nhiều mặt hàng, mức giá ta trả vào mùa giảm giá thực chất chính là mức “giá bổ sung chi phí”.

Lãi suất cận biên trung bình của ngành thời trang là khoảng 35%, con số có thể lên tới 50% cho các nhãn hiệu thời trang cao cấp như H&M hay Zara.

Với các mặt hàng xa xỉ như mỹ phẩm và trang sức, lãi suất cận biên thường vượt 50%.

3. GIÁ CAO - GIÁ THẤP:

Nhiều khi bạn bị những món hời làm mờ mắt. Chiêu “giá cao – giá thấp” được các nhà bán lẻ ưa chuộng, trong đó họ giảm giá một số mặt hàng cụ thể (và giảm lãi suất cận biên của chúng), để đánh vào tâm lý khách hàng, khiến chúng ta nghĩ rằng mình được “lời”.

Chiêu này thường được áp dụng với những sản phẩm đại chúng để thu hút một lượng khách hàng lớn nhất có thể.

Các thương hiệu hay cửa hàng sẵn sàng chịu mất đi một vài % nhỏ doanh thu để hút khách, đảm bảo rằng họ sẽ quay trở lại mua các mặt hàng khác vào lần sau và tăng lượng khách hàng trung thành.

Nhưng đương nhiên các cửa hàng không chịu hoàn thiệt hoàn toàn: Khi một số mặt hàng được giảm giá, thì một số mặt hàng khác lại bị thổi giá cao hơn bình thường, với hy vọng khách mua các mặt hàng giá cao sẽ bù đắp lại phần thiệt trong các sản phẩm giá thấp.

4. BIẾN ĐỘNG GIÁ:

Các đợt khuyến mại đến và đi rất nhanh. Nhờ có sức mạnh của Internet, ngày nay các thương hiệu trực tuyến có thể dễ dàng cập nhật tag giá, nhanh và tiện hơn nhiều so với những cửa hàng vật chất ngoài đời thực. Theo tiết lộ của nhiều bài báo, một vài thương hiệu sửa giá theo thông tin họ thu thập được từ lịch sử mua hàng và các thông tin cá nhân khác từ máy tính, điện thoại của bạn.

Mục đích của việc phân biệt giá cả xuất phát từ thực tế có một số người chi tiêu mạnh tay hơn một vài người khác, nên các thương hiệu tranh thủ kiếm lời từ thói quen của từng cá nhân.

5. GIÁ SANG CHẢNH:

Thực ra không phải lúc nào bạn cũng muốn mang về một sản phẩm rẻ tiền. Đối với các thương hiệu, đôi khi họ đặt tag giá một sản phẩm cao hơn không phải vì nó hiếm hay chi phí sản xuất cao, mà là vì hiệu ứng tâm lý.

Nếu nước hoa hay đồ trang sức được định giá quá thấp, chúng ta sẽ tự động đặt câu hỏi về chất lượng của sản phẩm, cũng như mặc định nó là hàng thứ cấp.

Trong tâm trí khách hàng, "tiền nào thì của nấy". Các cửa hàng đã tận dụng tâm lý này để “dụ” khách hàng mù quáng chi trả cho một thương hiệu. Mang đến một trải nghiệm “sang chảnh” cho những tín đồ của hàng hóa xa xỉ càng khiến họ mặc định sản phẩm có chất lượng cao.

Trong trường hợp này, chiêu “giá hấp dẫn” ở phần một thường có tác dụng ngược.

LÊ PHƯƠNG/BIZLIVE

Comments powered by CComment