Làm thế nào để khách hàng cảm thấy hạnh phúc

Trong bán hàng, vẫn biết rằng những hình ảnh bắt mắt, video sống động, các thiết bị hiện đại... hỗ trợ việc bán hàng rất nhiều, tuy nhiên, chính lời nói mới là vũ khí quan trọng nhất giúp nhân viên bán hàng khi tiếp cận và thuyết phục khách hàng.

Chỉ cần thay đổi một chút ở cách nói, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt về thái độ, tình cảm trong khi giao tiếp, giành được cảm tình của khách hàng và dĩ nhiên là... bán được hàng. Đó là lý do tại sao nhiều nhân viên tư vấn khách hàng rất tốt, trong khi nhiều nhân viên bán hàng vẫn kêu than rằng không bán được hàng, hàng ế hoặc khách hàng không mua. Vậy bí quyết bán hàng là gì, dưới đây chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kỹ năng bán hàng với những cách làm cho khách hàng của bạn cảm thấy hạnh phúc.

kỹ năng bán hàng

1. Tập trung vào lợi ích của khách hàng

Thay vì thao thao bất tuyệt về những ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ, nhân viên bán hàng cần dành thời gian để tìm hiểu khách hàng thực sự cần gì và tư vấn những đặc tính sản phẩm thích hợp. Sau đó, khi đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của khách hàng, bạn có thể giới thiệu nhiều hơn về các tính năng độc đáo, khác biệt để tăng tính thuyết phục. Đại đa số người tiêu dùng mua sắm vì một nhu cầu thực sự nào đó và họ cần ai đó giúp họ chọn lựa giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Hãy cố gắng để trở thành những chuyên gia tư vấn của khách hàng thay vì chỉ chăm chăm mục đích bán được hàng mà thôi, hãy tập trung vào lợi ích của khách hàng.

Là một nhân viên bán hàng, tất nhiên bạn cần đảm bảo doanh thu và muốn bán được hàng. Không ít nhân viên bán hàng mệt mỏi và căng thẳng với doanh số và “cầu cứu” khách hàng bằng cách “kể khổ”. Nhưng sự thật là chẳng có mấy khách hàng quan tâm đến điều đó và tệ hơn nữa là họ thấy khó chịu. Ngoài ra, họ có thể ủng hộ và thông cảm nhưng hiếm khi họ chịu chi tiền vì một lý do... trời ơi. Quá trình bán hàng là quá trình tiếp cận, thấu hiểu và giải quyết nhu cầu, động cơ, các vấn đề cũng như cảm xúc của khách hàng. Do đó, thật vô ích nếu bạn chỉ tập trung vào bản thân mà không để ý gì đến họ.

2. Giá cả không phải là tất cả

Những chương trình khuyến mại giảm giá có thể làm tăng doanh số. Tuy nhiên, nếu bạn không đưa ra một lý do chính đáng, sau này người tiêu dùng sẽ không mua món hàng hay sử dụng dịch vụ với giá ban đầu bạn đưa ra.
Vài cách để bạn có chương trình giảm giá thuyết phục: Thêm hoặc thay thế một số dịch vụ trong gói dịch vụ, thêm một lượng sản phẩm nhất định với giá không đổi, khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm cùng lúc để được giá rẻ hoặc cung cấp các dịch vụ hậu mãi tốt hơn. Trừ những trường hợp hàng hóa mà chuyện mặc cả là tất yếu được (như nhà đất, đồ cổ, đồ cũ..), cố gắng không giảm giá chỉ vì khách hàng yêu cầu. Nếu khách hàng dễ dàng mặc cả thì có nghĩa là giá của bạn đưa ra ban đầu quá cao và sau này bạn sẽ không bán được hàng với mức giá đó nữa. Những chuyên gia bán hàng cho rằng, bạn nên tập trung vào việc giúp khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn chứ không phải cố gắng giúp họ ít tốn tiền hơn.

3. Trở thành “chuyên gia” của khách hàng

Một phụ nữ vào siêu thị để mua một nồi cơm điện đa năng và trước đây bà chưa dùng qua sản phẩm này. Nhân viên bán hàng A giới thiệu những tính năng chính của sản phẩm và “an ủi” khách hàng rằng, bà sẽ nhanh chóng sử dụng thành thạo nếu chịu khó đọc hướng dẫn. Nhân viên bán hàng B có cách thuyết phục khác. Anh ta hướng dẫn cách sử dụng thật cặn kẽ và thao tác thử cho người phụ nữ này xem. Rốt cuộc, bà ta mua hàng của nhân viên B.
Điểm mấu chốt ở đây là, nhân viên bán hàng luôn phải đảm bảo sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Yêu cầu khách hàng tự tìm hiểu chẳng khác nào giao cho họ bài tập về nhà và chẳng ai thích điều này cả. Khách hàng cần ai đó giúp họ giải quyết được các vấn đề nhanh chóng nhất.

Theo blog.sapo.vn

Không ghi tác giả

Comments powered by CComment