Chuỗi Bán Lẻ Trong Hệ Thống Phân Phối

Đỗ Hòa. Khái niệm, chức năng, hình thức và nhượng quyền bán lẻ.

Như thế nào gọi là chuỗi cửa hàng bán lẻ?

Nhà bán lẻ là người chuyên bán một số chủng loại sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định cho người tiêu dùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân.

Có rất nhiều loại hình bán lẻ chẳng hạn như cửa hàng tạp phẩm (grocery store), cửa hàng tổng hợp (department store), cửa hàng chuyên dụng (speciality store), cửa hàng tiện dụng (convenient store), cửa hàng dược phẩm (chemist store) và cửa hàng thực phẩm tiện dụng (fastfood outlet).

Bán lẻ nói chung là hoạt động kinh doanh bằng cách mua với số lượng lớn từ nhà sản xuất, hoặc nhà bán sỉ rồi chia nhỏ và bán lẻ cho người tiêu dùng nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hay gia đình.

Trong chuỗi giá trị, nhà bán lẻ là mắt xích cuối cùng nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. Vai trò của nhà bán lẻ là cực kỳ quan trọng bởi vì chính ngay tại điểm bán lẻ người tiêu dùng có cơ hội chọn mua sản phẩm và thương hiệu mà mình ưa chuộng. Người bán lẻ là người am hiểu nhất nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời người bán lẻ cũng chính là người nắm bắt được sát thực nhất những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng.

Theo xu hướng hiện nay, nhiều nhà sản xuất trực tiếp tổ chức điểm bán lẻ để đưa sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Hệ thống bán lẻ trực tiếp nầy ngoài chức năng bán hàng thường nhằm vào hai mục đích chính:

  1. Sử dụng điểm bán lẻ làm kênh truyền thông tương tác với người tiêu dùng. Những điểm bán lẻ do nhà sản xuất trực tiếp tổ chức thường chọn ở những vị trí rất quan trọng và được đầu tư rất lớn về hệ thống nhận diện thương hiệu.
    Cửa hàng được xem như là một điểm quảng cáo cố định, phần lớn diện tích mặt tiền được sử dụng với mục đích truyền thông xây dựng thương hiệu (billboard, màn hình LCD, trưng bày sản phẩm).
  2. Làm kênh kiểm chứng giá và chất lượng sản phẩm kiêm dịch vụ khách hàng. Giá bán ở những cửa hàng do nhà sản xuất trực tiếp tổ chức là giá chuẩn cố định và thường cao hơn giá do các nhà bán lẻ khác. Do vậy khách hàng đến mua sản phẩm từ những cửa hàng nầy thường là những phân khúc khách hàng mua sự yên tâm, họ chấp nhận giá cao để được yên tâm là chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi được bảo đảm. Hoặc là những khách hàng ưa chuộng công nghệ mới vì những sản phẩm mới thường được đưa ra giới thiệu ở những cửa hàng nầy trước khi tung ra bán rộng rãi trên thị trường.


Ngược lại, cũng có xu hướng nhà bán lẻ phát triển hoạt động ngược về hướng đầu nguồn của chuổi cung cấp. Nhiều nhà bán lẻ lớn thay vì mua lại sản phẩm của các nhà phân phối hoặc nhà bán sỉ, họ tiếp xúc thẳng với nhà sản xuất để mua hàng và làm luôn chức năng phân phối.

Nhiều nhà bán lẻ thậm chí còn tham gia vào việc phát triển sản phẩm. Họ yêu cầu nhà sản xuất sản xuất sản phẩm theo thiết kế của họ. Thậm chí họ còn đặt hàng nhà sản xuất cung cấp sản phẩm thô cho họ và họ tiếp thị dưới thương hiệu của nhà bán lẻ. Nhiều nhà sản xuất coi đây là một mối đe dọa đối với họ.

Nhờ vào lợi thế kinh tề về qui mô, hiệu quả kinh doanh của chuổi hệ thống cửa hàng bán lẻ thường cao hơn so với những của hàng bán lẻ đơn độc, do vậy chuổi hệ thống cửa hàng bán lẻ ngày càng trở nên phổ biến. Kết quả là kinh doanh bán lẻ trở thành một trong những nghành kinh doanh lớn nhất trên thế giới. Ở nhiều nước phát triển, nghành bán lẻ là nghành sử dụng nhiều lao động nhất, con số người lao động được sử dụng trong nghành bán lẻ còn thậm chí vượt qua cả nghành sản xuất.

Ví dụ: Wal-Mart sử dụng môt khối lượng lao động nhiều gấp 5 lần Boeing (số liệu của tạp chí Fortune 1994)


Đỗ Hòa Marketing Chiến Lược

Comments powered by CComment