Bán lẻ "lấn sân" thương mại điện tử: Cơ hội hay thách thức?

Không lâu sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam với website Lotte.vn, doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Nhật là Aeon cũng khai trương website aeoneshop.com. Với lợi thế về thương hiệu, hệ thống cửa hàng rộng khắp, Lotte.vn và aeoneshop.com được cho là các đối thủ nặng ký của hai cái tên đại diện nhóm thương mại điện tử trong nước là Lazada.vn và Tiki.vn.

TMDTVNTheo Aeon Việt Nam, aeoneshop.com hoạt động chính thức từ đầu năm 2017. Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam dù chỉ mới chiếm khoảng 1% tổng doanh thu ngành bán lẻ nhưng tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 20% năm (theo eMarketer), người sử dụng internet chiếm 40% dân số, hệ sinh thái trong ngành như giao nhận, thanh toán điện tử đang hoàn thiện từng ngày nên không khó hiểu khi Aeon, Lotte, Central Group (Thái Lan) hay cả Saigon Co.op tìm cách tham gia thị trường này.

Gần như ngay lập tức, cả aeoneshop.com và Lotte.vn thừa hưởng 2 điểm mạnh mà không có doanh nghiệp thương mại điện tử nào có được ngay khi bắt đầu ở thị trường Việt Nam.

Đầu tiên là niềm tin. Nếu như Lotte.vn tập trung vào mảng mỹ phẩm, thời trang vốn là thế mạnh của các dòng sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc, thì aeoneshop.com mạnh về đồ điện tử, đồ dùng cho em bé rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng từ trước đến nay khi nói về các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật.

Điểm thứ 2 là hệ thống cửa hàng, nhất là aeoneshop.com. Hiện doanh nghiệp này sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại khá lớn từ trung tâm thương mại đến cửa hàng tiện ích. Ngoài 4 trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội, sau khi mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart vào năm 2015, Aeon đã gián tiếp sở hữu 18 cửa hàng Fivimart ở Hà Nội và 66 cửa hàng Mini-stop ở TP.HCM.

Trong thương mại điện tử, khâu vận chuyển và thời gian giao hàng đóng vai trò rất quan trọng. Các công ty thương mại điện tử như Lazada.vn hay Tiki.vn sở hữu các kho rất lớn nhưng tập trung tại một vài điểm, điều này khiến việc vận chuyển và giao hàng có độ trễ nhất định. Trong khi đó, với mỗi cửa hàng là một kho lưu trữ, có thể nói aeoneshop.có trong tay mạng lưới kho rộng khắp trên cả nước, giúp giảm thiểu thời gian giao hàng - một yếu tố quan trọng nhưng không phải doanh nghiệp thương mại điện tử nào cũng chạy theo được vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.

Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để aeonshop.com hay Lotte.vn có thể vượt qua Lazada.vn hay Tiki.vn ở thị trường Việt Nam. Chưa tính tới Central Group sau các thương vụ M&A với mảng bán lẻ và thương mại điện tử ở Thái Lan và cả Việt Nam. Với các thương vụ M&A trong năm 2016, Central Group đang chứng tỏ sự hiện diện ngày càng mạnh ở thị trường bán lẻ Việt Nam từ offline đến online, từ bán lẻ hàng thời trang, tiêu dùng đến bán lẻ hàng điện máy.

Theo ông Lê Xuân Long - Giám đốc Điều hành Công ty PMAX (đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo tối ưu trong lĩnh vực thương mại điện tử), vận hành một công ty thương mại điện tử rất phức tạp. Trong khi đó, cả Aeon và Lotte phải đảm đương thêm phần bán lẻ. “Đây là lợi thế đồng thời cũng là thách thức trong việc dung hòa cả hai mô hình, tránh xung đột”, ông Long nói.

Còn theo ông Lê Thiết Bảo - cựu Giám đốc Điều hành Deca.vn, xung đột ở đây phản ánh rõ nét qua câu chuyện về giá. Một món hàng ở kho Aeon khi đưa lên trung tâm thương mại hay cửa hàng bán lẻ trực thuộc Công ty sẽ phải cộng thêm một số loại phí khác như phí trưng bày, quản lý... nên giá bán sẽ cao hơn. Trong khi cũng món hàng đó nếu bán trực tuyến thì không cần các phí này nên luôn rẻ hơn, thậm chí rẻ hơn nhiều.

“Vậy aeoneshop.com sẽ bán giá nào? Nếu bán giá như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi sẽ không có gì hấp dẫn. Họ buộc phải giảm giá, điều này có nghĩa là cạnh tranh với nhóm bán lẻ”, ông Bảo nói.

Đại diện truyền thông của Aeon cho biết sẽ đưa nhãn hàng riêng với thương hiệu Topvalu lên aeoneshop.com. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng để thu hút khách hàng, danh mục sản phẩm phải đa dạng hơn khi lên trực tuyến. Đơn cử như Tiki.vn, từ sách, doanh nghiệp này dần mở rộng sang ngành hàng mẹ và bé, bách hóa, điện tử... Lotte.vn hay aeoneshop.com cũng không ngoại lệ. Khi đó câu chuyện xung đột càng rõ nét.

Mô hình của các trung tâm thương mại là cho thuê mặt bằng, doanh thu đến từ việc chia sẻ doanh thu với người thuê hoặc cho thuê tính theo tháng. Còn các cửa hàng tiện lợi phải gánh chi phí mặt bằng, nhân viên... Cả hai có điểm chung là thu hút càng nhiều người đến mua hàng càng tốt để tăng doanh số. Khi khách hàng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, mô hình trực tuyến phát triển mạnh sẽ trở thành đối thủ của chính nhóm trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.

Nhưng trở ngại lớn nhất chính là quyết tâm đầu tư thương mại điện tử của Aeon hay Lotte đến đâu. Bởi luôn có khoảng cách giữa các nhà lãnh đạo và đội ngũ thừa hành. Mặt khác, theo ông Bảo, dù đầu tư bài bản, nghiêm túc, doanh thu từ mảng thương mại điện tử đóng góp 10-15% tổng doanh thu bán lẻ.

“Họ sẽ phải cân đối để hòa hợp lợi ích giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống. Đây là câu chuyện thú vị vì hiện chưa có doanh nghiệp nào làm tốt vai trò này hơn Thế Giới Di Động”, ông Bảo nói. Có thể nói chính mâu thuẫn bên trong các doanh nghiệp bán lẻ là yếu tố cản trở nhóm này khi làm thương mại điện tử.

Do đó, Aeon và Lotte có thể sử dụng thương mại điện tử như một công cụ bán những mặt hàng đặc thù trong giai đoạn đầu, trước khi có những cuộc tấn công vào những đối thủ như Lazada.

Theo Bộ Công Thương, với tốc độ phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Trên thực tế, cuộc đua giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử thuần túy với các doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới vẫn đang diễn ra và chưa có hồi kết, còn phần thắng tạm nghiêng về nhóm thương mại điện tử.

Điển hình như câu chuyện của Amazon.com và Walmart. Theo Wall Street Journal, dù sở hữu chuỗi cửa hàng khổng lồ ở Mỹ nhưng doanh thu năm 2015 của Walmart ở mảng thương mại điện tử chỉ 13,7 tỷ USD, còn Amazon.com là hơn 100 tỷ USD.

Vì thế, sự xuất hiện của những đối trọng mới như Lotte.vn và aeoneshop.com sẽ càng khiến cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam thêm sức ép cạnh tranh và khiến cục diện của thị trường này thêm những biến số khó dự báo.

HUY VŨ
Theo DNSG. Nguồn: NCĐT (tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments powered by CComment