TPP: 2 "từ khóa" doanh nghiệp cần quan tâm

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được đại diện 12 nước thành viên ký kết xác nhận lời văn hôm 4/2/2016, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018 sau khi được chính phủ các nước thành viên phê chuẩn. Đây được xem là một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam tham gia.

TPP gồm 5.544 trang. Đọc và hiểu được tài liệu này là một thách thức lớn không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn với cả các cơ quan chức năng. Nhưng đó mới chỉ là một phần công việc, bởi sẽ là một thảm họa cho các doanh nghiệp nếu như họ không có sự chuẩn bị và không hiểu “luật chơi” trong TPP.

Vì vậy có thể nói, để chuẩn bị cho việc chính thức nhập cuộc với TPP, nhiệm vụ của Chính phủ là điều chỉnh luật cho phù hợp và thực thi cam kết, trong khi nhiệm vụ của doanh nghiệp có thể gói gọn trong hai từ khóa đơn giản, nhưng không dễ thực hiện: hiểu luật và hợp tác.

tpp

Khi TPP có hiệu lực, công việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất khác. Nêu một ví dụ đơn giản: doanh nghiệp Việt Nam muốn bước chân vào thị trường Mỹ và được hưởng thuế suất 0% thì phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ (Rules of Origin – ROO) của hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ lúng túng không biết làm sao để có được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ này.

>> TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, ông Nestor Sherbey – cố vấn cao cấp Liên minh thuận lợi hóa, thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng không nên quá lo lắng điều này, bởi trong năm 2015, có đến 290.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình. “Sẽ là thảm họa nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và không hiểu các quy định của TPP, việc bị truy thu thuế sau nhiều năm vẫn có thể xảy ra. Do đó hãy tập trung vào các thách thức thay vì nói về cơ hội”, ông Nestor khuyến nghị, và vì thế, “quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là doanh nghiệp phải nhanh chóng “tiêu hóa” toàn bộ văn kiện TPP” như một luật sư khuyến cáo.

Ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE cho rằng các doanh nghiệp muốn thành thạo luật chơi chung của TPP thì phải có đội ngũ luật sư tư vấn cho mình.

Một ví dụ được ông Herb Cochran – Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam nêu ra: Có bao nhiêu doanh nghiệp biết về mã số DUNS® của D&B? Trong khi mã số này là tiêu chuẩn toàn cầu để xác minh doanh nghiệp cho các giao dịch thương mại. Và đây chỉ là một trong rất nhiều “giấy thông hành” mà doanh nghiệp phải chuẩn bị?

Trong suy nghĩ phải biến thách thức của TPP thành cơ hội, ông Phạm Xuân Hồng – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM chỉ rõ: “Doanh nghiệp không nên ôm đồm mà phải thấy thế mạnh của mình ở đâu, điểm yếu là gì để có chiến lược phù hợp. Ví dụ điển hình trong ngành dệt may khi hợp tác với nước ngoài là tìm ra phần nào doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh thì khai thác, phần nào doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế thì để doanh nghiệp FDI làm. Không cần phải làm tất cả từ A tới Z, vì sẽ không phát huy được lợi thế cạnh tranh khi TPP có hiệu lực”.

“Phải tạo được liên kết với doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ưu đãi nào cũng kèm theo điều kiện mà nếu không tuân thủ tốt và tìm hiểu kỹ, doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng được” – ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định.

Theo tính toán, một khi TPP có hiệu lực, giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam mỗi năm tăng 25-35%. Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi Việt Nam xây dựng được mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài.

>> 3 vấn đề cần đặc biệt chú ý khi tham gia TPP

Một nhận định đáng lưu ý được ông Phạm Xuân Hồng đưa ra là khi TPP chính thức có hiệu lực (dự kiến năm 2018), vấn đề lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là giải quyết được bài toán xuất xứ hàng hóa. Hiện chỉ có hơn 20% nguyên phụ liệu xuất xứ từ Việt Nam, còn lại đều phải nhập từ nước ngoài, đặc biệt hơn 50% nhập từ Trung Quốc.

Theo bà Virginia Foote – Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bay Global Strategies (Mỹ), sự thiếu hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI là lý do làm khoảng cách doanh nghiệp hai bên ngày càng lớn, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu. Việt Nam cần đánh giá đúng vai trò vốn FDI để các khoản đầu tư này được rót nhiều vào doanh nghiệp trong nước, tạo sự lan tỏa trong công nghệ, sản xuất. Thách thức lớn của Việt Nam khi TPP có hiệu lực vẫn là sự thiếu hụt về nguồn lao động được đào tạo và cả “cơ sở hạ tầng mềm” - thủ tục hành chính. Điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý, đồng thời các doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh những thay đổi, tạo ra đột phá về công nghệ lẫn những cải cách về quản trị doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, ưu thế của doanh nghiệp FDI ngày càng rõ, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi chưa có nhiều liên kết giữa hai khối doanh nghiệp bởi Việt Nam thiếu hẳn ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Nestor Scherbey (VTFA) cho rằng, để tận dụng các ưu đãi thuế từ các FTA, trong đó có TPP mang lại, các công ty FDI sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu khi sản xuất hàng để xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi nhắc đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi TPP có hiệu lực. Quả thực đây cũng là một vấn đề lớn mà nếu không có giải pháp tốt, doanh nghiệp có thể sẽ gặp rắc rối pháp lý, bởi không ai có thể “đi bên lề” cuộc chơi TPP.

Có thể thấy, TPP đang rất gần, ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động trong các doanh nghiệp. Nếu không chuẩn bị kỹ, sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh và có khi là rất khốc liệt đối với các doanh nghiệp.

Theo CÁT NGUYỆN/DĐDN

Comments powered by CComment