Samsung chuyển hướng chiến lược

Bắt đầu từ năm nay, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, Samsung Electronics, sẽ thuê một số công ty Trung Quốc thiết kế và sản xuất điện thoại thuộc phân khúc giá rẻ và trung bình của thương hiệu Samsung, theo hãng tin Reuters.

Samsung đã quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng của mình ở Trung Quốc hồi tháng trước, sau khi các nhà máy của tập đoàn tại Việt Nam và Ấn Độ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, Samsung đang lặng lẽ chuyển giao việc sản xuất một số mẫu điện thoại giá rẻ cho các nhà thầu Trung Quốc - chẳng hạn như Wingtech, một công ty hầu như không ai biết tới bên ngoài Hoa lục. Các nhà thầu này đảm nhiệm việc sản xuất điện thoại cho các thương hiệu nổi tiếng như Huawei, Xiaomi, Oppo... theo một phương thức gọi là ODM (Original Design Manufacturer - nhà sản xuất và thiết kế gốc), trong đó nhà thầu đảm nhiệm gần như toàn bộ các công đoạn từ thiết kế đến lắp ráp dưới sự giám sát của chủ thương hiệu mà sau này sản phẩm sẽ mang tên.

Nhờ lợi thế sản xuất hàng loạt quy mô lớn và dựa vào nguồn cung cấp linh kiện số lượng nhiều, giá rẻ, các công ty ODM có thể sản xuất với giá thành rất thấp; các nhà thầu lanh lợi còn có thể phát triển và sản xuất các mẫu điện thoại giá rẻ mới trong thời gian ngắn kỷ lục.

Samsung giữ bí mật về số lượng sản phẩm mà tập đoàn sẽ thuê (outsource) nhà thầu Trung Quốc làm, nhưng một nguồn tin nội bộ tiết lộ mỗi năm sẽ có khoảng 60 triệu máy điện thoại được trình làng từ phương thức ODM; chiếm tỷ lệ 20% trong tổng sản lượng 300 triệu máy mà Samsung đưa ra thị trường mỗi năm.

 

Lắp ráp điện thoại Samsung. Ảnh: Engadget

Những người tán thành bước chuyển hướng chiến lược sản xuất của Samsung cho rằng do biên lợi nhuận của sản phẩm điện thoại hiện còn rất mỏng và có xu hướng ngày càng giảm, Samsung không có lựa chọn nào khác là phải theo chân các đối thủ, sử dụng mạng lưới các nhà thầu ODM để giảm giá thành. “Đây không phải là một chiến lược tất yếu mà là một chiến lược tốt”, một nguồn tin thân cận với Samsung nói.

Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho rằng với các dòng điện thoại có giá từ 100-250 đô la Mỹ, các nhà thầu ODM Trung Quốc có thể mua được toàn bộ linh kiện cần thiết với giá rẻ hơn từ 10-15% so với các thương hiệu lớn. Một nguồn tin khác tiết lộ Công ty Wingtech của Trung Quốc có thể mua được một số linh kiện quan trọng với giá thấp hơn 30% so với giá mà Samsung Electronics mua để cung cấp cho nhà máy của mình ở Việt Nam. Wingtech đã từng lắp ráp máy tính bảng và điện thoại cho Samsung từ năm 2017, góp khoảng 3% vào sản lượng của tập đoàn này và dự kiến đạt 8%, tức khoảng 24 triệu máy trong năm nay, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit.

Phần lớn điện thoại Samsung do các nhà thầu ODM của Trung Quốc tham gia thiết kế và sản xuất đều thuộc dòng Galaxy A - dòng thấp nhất của Samsung, chẳng hạn như điện thoại Galaxy A6S có giá bán ở Trung Quốc khoảng 1.299 nhân dân tệ (khoảng 4,3 triệu đồng).

 

Dòng điện thoại Galaxy Note của Samsung.

Những dòng điện thoại giá rẻ này được bán chủ yếu ở các thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latinh, nơi Samsung đang nỗ lực giành thị phần của điện thoại Huawei - tập đoàn Trung Quốc đang gặp khó vì bị Mỹ trừng phạt, phải loại bỏ các dịch vụ của Google ra khỏi các mẫu điện thoại mới của mình. Được biết các dòng sản phẩm cao cấp của Samsung bán vào các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu như Galaxy S, Samsung Note... vẫn tiếp tục được sản xuất ở các nhà máy do Samsung đầu tư, làm chủ và kiểm soát ở Việt Nam và mới đây là ở Ấn Độ.

“Điện thoại giá rẻ là nỗi đau đầu của Samsung”, ông CW Chung, trưởng nhóm nghiên cứu của ngân hàng Nomura tại Hàn Quốc nhận định. Ông Chung cho rằng giờ đây điện thoại thông minh đã là vật dụng bình dân cho nên sẽ “rất bất lợi” nếu tiếp tục sản xuất chúng trong các nhà máy hiện đại của tập đoàn.

Tuy vậy, ông Chung và nhiều chuyên gia khác vẫn băn khoăn về bước chuyển chiến lược của Samsung vì cho rằng lợi nhuận từ kinh doanh điện thoại giá rẻ không đủ bù cho những rủi ro mà kế hoạch này gây ra.

Trước tiên là vấn đề phẩm chất sản phẩm. “Outsource” cho các nhà thầu ODM, Samsung có rủi ro mất quyền kiểm soát chất lượng sản phẩm, mất bí quyết công nghệ và giúp cho các nhà thầu đẩy giá thành sản phẩm xuống thấp hơn nữa nhờ có thêm khối lượng lớn đơn hàng để hoạt động. Một chuyên viên sành sỏi về các nhà thầu ODM Trung Quốc lưu ý, các nhà thầu này thường bỏ qua một số công đoạn trong tiến trình lắp ráp để tiết kiệm chi phí, do đó sản phẩm thường có những vấn đề tiềm tàng về phẩm chất.

“Nếu nhà thầu ODM trở nên cạnh tranh hơn thì các đối thủ cũng có sức cạnh tranh hơn nữa”, ông Tom Kang, chuyên viên phân tích của Counterpoint nhận xét và nói thêm rằng một khi tập đoàn đã mất bí quyết công nghệ trong việc sản xuất điện thoại giá rẻ qua con đường outsource thì hầu như rất khó giành lại lợi thế. Vì lẽ đó tập đoàn Apple của Mỹ từ trước đến nay vẫn outsource việc lắp ráp điện thoại iPhone cho Công ty Hon Hai (Foxconn) của Đài Loan, sử dụng nhân công Trung Quốc, nhưng để duy trì chất lượng sản phẩm Apple không bao giờ giao khoán toàn bộ quy trình sản xuất cho Hon Hai mà vẫn nắm giữ phần thiết kế và cung ứng những linh kiện chủ yếu.

Trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters, Samsung nói rằng tập đoàn chỉ sản xuất một số dòng sản phẩm rất giới hạn bên ngoài nhà máy của tập đoàn để mở rộng danh mục các dòng sản phẩm hiện có và “bảo đảm quản lý hiệu quả theo thị trường”. Nhưng Samsung khẳng định có biện pháp kết nối các nhà cung cấp linh kiện điện thoại của Hàn Quốc với nhà thầu ODM của Trung Quốc để kiểm soát chất lượng sản phẩm; cam kết cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao nhất.

Samsung có truyền thống tự thiết kế và sản xuất hầu hết sản phẩm của mình trong các nhà máy do tập đoàn đầu tư và vận hành; nhưng mấy năm gần đây, Samsung đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Việt Nam, đồng thời giảm bớt quy mô ở Hàn Quốc và Trung Quốc để hạ giá thành sản phẩm. Roh Tae-moon, nhà lãnh đạo trẻ của Samsung Electronics, lại muốn chuyển hướng mạnh hơn nữa về chiến lược khi ủng hộ mạnh phương thức thuê nhà thầu ODM.

“Giảm chi phí để giữ sức cạnh tranh với Huawei và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác là hết sức thiết yếu”, một quản lý cao cấp của Samsung nói. Xa hơn nữa, “điện thoại thông minh đã xuống cấp thành một trận chiến về giá thành. Đó là trò chơi sinh tử hiện nay”, ông Kim Yong-serk, cựu giám đốc bộ phận di động của Samsung và nay là giáo sư Đại học Sungkyunkwan ở Hàn Quốc, nhận xét.

Hiện chưa rõ bước chuyển hướng chiến lược của Samsung sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của tập đoàn này ở Việt Nam.

Thái Bình - Theo Reuter

Comments powered by CComment