Microsoft: Gã khổng lồ đang “thua để thắng”

Tất cả những gã khổng lồ này đều đang ủng hộ iOS và Mac, kéo theo cả những khách hàng cuối tiềm năng như Walmart, Delta Airlines. Ấy vậy mà Microsoft vẫn có thể thản nhiên ngồi nhìn Apple giành giật thị trường truyền thống của mình. Tại sao?

Bất cứ một người làm công nghệ nào đều sẽ biết đến sức ảnh hưởng của những tên tuổi như IBM, GE, Cisco, SAP trong thị trường doanh nghiệp.

Chỉ đúng một ngày sau khi bài viết nói về xu thế "Mac hóa" của các doanh nghiệp lớn (và các thế lực trong lĩnh vực công nghệ doanh nghiệp) ra mắt, một gã khổng lồ tiếp theo đã quyết định từ bỏ Windows để đến với những chiếc máy tính gắn mác Táo. Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị Jamf dành cho các doanh nghiệp lớn, đại diện của Walmart tuyên bố sẽ triển khai 100.000 máy Mac trong năm tới, gia tăng đáng kể quy mô sử dụng từ 7.000 máy của thời điểm hiện tại.

Lý do được Walmart đưa ra không có gì mới mẻ so với những gì đã được IBM và nhiều thế lực khác trong thị trường dịch vụ doanh nghiệp khẳng định: "Chúng tôi nhìn vào tổng chi phí sở hữu (TCO) dành cho công nghệ của mình. Chi phí triển khai, bảo mật Mac thấp hơn rất nhiều so với máy Windows – từ góc độ kinh doanh dùng Mac là rất hợp lý".

Z1Với một lĩnh vực khốc liệt như bán lẻ, cắt giảm chi phí là lợi ích số 1 được công ty đứng đầu thế giới về doanh thu theo đuổi.

Đây cũng là lý do General Electrics, một doanh nghiệp lâu đời của Mỹ, quyết định “chuẩn hóa” phần cứng cho nhân viên bằng cách triển khai iPhone, iPad và máy Mac cho toàn bộ 330.000 nhân viên của mình. Một phần quan trọng trong nỗ lực “chuẩn hóa” iOS tại môi trường làm việc của GE là Predix, nền tảng được các khách hàng doanh nghiệp của GE sử dụng để phát triển phần mềm dự đoán sự cố và giảm chi phí hoạt động.

Microsoft là gã khổng lồ đại diện cho thị trường doanh nghiệp hi-tech. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Microsoft giống như một kẻ thua cuộc toàn tập khi bị Mac chiếm dần những khách hàng doanh nghiệp lớn.

Z2Những gã khổng lồ của lĩnh vực doanh nghiệp như IBM, GE, Cisco, SAP, Deloitte đang hậu thuẫn Apple "iOS hóa" môi trường enterprise. Nhưng "iOS hóa" lại đi kèm "Mac hóa".

Thực tế không phải là như vậy. Trong trường hợp của GE, một phần cốt lõi của nền tảng Predix là đám mây Azure. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa Microsoft và GE, Predix sẽ được tích hợp với Azure IoT Suite và Cortana Intelligence Suite cùng một loạt các ứng dụng doanh nghiệp “quen tên” từ Microsoft như Office 365, Dynamics 365 và Power BI.

Ban đầu, thành quả hợp tác giữa 2 bên sẽ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu mỏ, song hiển nhiên Microsoft và GE sẽ tìm mọi cách để triển khai các giải pháp kết hợp ra mọi lĩnh vực, mọi tính năng.

Không mấy bất ngờ, Walmart dù từ bỏ Windows nhưng vẫn muốn “thân” với Microsoft. Đầu năm nay, gã khổng lồ bán lẻ số 1 thế giới về doanh thu thậm chí còn thẳng thừng yêu cầu các đối tác phải sử dụng Azure thay vì AWS (của Amazon). Như vậy, một mặt Walmart thừa nhận sự kém cỏi của những chiếc máy PC Windows, mặt khác Walmart cũng thừa nhận quan điểm của rất nhiều doanh nghiệp lớn: Azure đang là lựa chọn đám mây duy nhất có thể nghĩ đến bên cạnh AWS.

Z3Lời giải của Microsoft: Nếu có thể đưa ra sức mạnh tính toán và công nghệ phần mềm đằng sau những ứng dụng như thế này, iOS, Android, MacOS hay Windows đều sẽ là vô nghĩa.

Nhìn từ góc độ người dùng cuối, xu thế "Mac hóa" đi kèm với “Azure hóa” có ý nghĩa gì?

Rất đơn giản, bạn sẽ sử dụng máy Mac thay vì máy Windows. Nhưng những ứng dụng, những phần mềm mà bạn sẽ sử dụng trên máy Mac tại các doanh nghiệp sẽ luôn có một phần từ Microsoft, bất kể đó là Office 365, SharePoint, Power BI hay một phần mềm tự phát triển có sử dụng đến Azure hay dịch vụ Cortana.

Tức là, Microsoft đang thay máu nguồn sống của mình từ hệ điều hành sang đám mây và các dịch vụ phần mềm nằm gần người dùng hơn. Các công nghệ của Microsoft sẽ "sống" bên trong những phần mềm mà bạn trực tiếp sử dụng hàng ngày cho công việc.

Z4Hướng nhiều hơn về đám mây và doanh nghiệp là lý do vì sao Microsoft không thể chen chân vào di động nhưng vẫn nắm ảnh hưởng khủng khiếp lên thị trường toàn cầu.

Đây chính là hướng đi được Microsoft của Satya Nadella theo đuổi. Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2014, vị CEO gốc Ấn này đã thực hiện một điều không tưởng: đưa Microsoft trở lại với những quý tài chính rực rỡ. Trong bất cứ một quý tài chính nào, điều Phố Wall và Thung lũng Silicon quan tâm đến không phải là “More Personal Computing” (Windows, Surface, Xbox) mà là “Productivity and Business Processes” (Office truyền thống, Office 365 và các dịch vụ đám mây có liên quan) cùng “Intelligent Cloud” (Azure, Windows Server).

Trong khi More Personal Computing vẫn chiếm phần doanh thu lớn nhất, 2 mảng còn lại cộng lại vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo hơn – và quan trọng hơn là 2 mảng này sẽ liên tục gia tăng trong khi More Personal Computing vẫn trồi sụt bất thường. Bại trận hoàn toàn trong cuộc chiến di động Microsoft hiểu rõ tương lai không còn nằm ở cuộc chiến hệ điều hành nữa.

Thậm chí, gã khổng lồ còn có thời gian miễn phí nâng cấp hoàn toàn cho người dùng Windows 7/8 lên Windows 10. Dù động thái này thể hiện tham vọng tiếp tục thống trị thị trường PC, rõ ràng là Microsoft đang sẵn sàng hy sinh doanh thu từ hệ điều hành chỉ để tìm thêm nguồn sống cho Office 365 và các dịch vụ khác.

Z5"Hệ điều hành"? Chuyện của ngày hôm qua.

Không một hướng đi nào có thể đúng đắn hơn. Một lần nữa, Microsoft đã thua cuộc di động và sẽ buộc phải sống nhờ trên “nhà” của Apple và Google. Song, thế giới công nghệ đang thay đổi vũ bão với những trào lưu cần phải có đám mây – cũng là những trào lưu nơi khái niệm “hệ điều hành” là vô nghĩa: VR/AR, giao diện giọng nói, AI, trợ lý ảo, nhà thông minh, Internet of Things v.v...

Hãy nhớ rằng khi Windows phải nhường lại vị trí trung tâm cho iOS và Android, vẫn chẳng có ai phủ nhận rằng Microsoft là thế lực đáng gờm nhất trong lĩnh vực doanh nghiệp. Hãy cứ để cho Apple đem máy Mac và iOS đi phủ sóng thị trường này. Sớm hay muộn, các công ty, tổ chức lớn đều sẽ phải nhờ cậy đến Azure, Power BI, Cognitive AI hay các dịch vụ, phần mềm khác từ Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm đang “thua để thắng”: thua ở một cuộc chiến lỗi thời, nhưng đẩy mạnh hết sức để nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến của tương lai.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Comments powered by CComment