Từng bước xây dựng ý tưởng tốt hơn

Ông Richard Moore, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sáng tạo, Richard Moore Associates, chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích trong việc phát triển kỹ năng tư duy đối với những người làm trong lĩnh vực sáng tạo.

 

Bạn có biết điều gì thú vị hơn một buổi “bão não” (brainstorm)? Với tôi, đó chính là hướng dẫn một lớp học – nơi diễn ra nhiều buổi brainstorm. Không gì có thể so sánh được với sự dữ dội trong một căn phòng mà nhiều người đang cố gắng đưa từng ý tưởng của người khác theo cách rất khó dự đoán đi đến giải pháp, đặc biệt là khi một vài người phát hiện ra rằng, tất cả mọi người và ngay cả chính họ, có thể đưa ra các ý tưởng trên cả tuyệt vời. Tôi đã chứng kiến điều này rất nhiều lần kể từ khi tổ chức các lớp học về CPS (Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo). Trong bài này, tôi muốn chia sẻ điều gì thu hút các học viên cũng như chính bản thân tôi nhất trong việc phát triển kỹ năng tư duy.

CPS là một quá trình với nhiều giai đoạn. Bước đầu tiên là Xác định mục tiêu. Bước tiếp theo, Nghiên cứu thực tế, sẽ tìm hiểu các thông tin cần thiết liên quan đến mục tiêu. Trong bước thứ 3, Xác định vấn đề, các thông tin đã tìm hiểu được sử dụng nhằm diễn tả lại vấn đề theo hướng hiệu quả hơn. Tiếp đến là Phát triển ý tưởng, các ý tưởng được kết nối với vấn đề đã đưa ra ở bước trên. Ở bước Xác định giải pháp, những ý tưởng này sẽ được đánh giá để lựa chọn ra các ý tưởng tiềm năng nhất. Giai đoạn Tìm kiếm sự đồng thuận, sẽ đưa ra một số giải pháp nhằm thuyết phục người khác chấp nhận các ý tưởng mới đó.

Xác định mục tiêu

Thông thường bước khó nhất để giải quyết vấn đề chính là bắt đầu. Đa số các học viên của tôi, những người làm kinh doanh đều ngạc nhiên khi biết rằng, trong CPS, tốt nhất là không nên tập trung vào vấn đề quá sát sao ngay từ đầu. Ban đầu chúng tôi thường nghĩ là vấn đề có thể khiến chúng ta đi chệch hướng, nên chúng tôi thường bắt đầu bằng cách xác định các yếu tố khác nhau của vấn đề, rồi xem xét mối quan hệ giữa chúng bằng cách sử dụng câu hỏi: “Bằng cách nào mà”… (Ví dụ: “Bằng cách nào mà thời gian làm việc ảnh hưởng đến hiệu quả?” hay “Bằng cách nào màu sắc liên quan đến cảm xúc sản phẩm?”.

Y1Nghiên cứu thực tế

Trong tất cả các phương pháp tập hợp thông tin liên quan đến mục tiêu, phương pháp hiệu quả nhất thường là các câu hỏi “5W1H” được dạy trong các học viện báo chí suốt cả thế kỷ qua. Sau đây là danh sách các câu hỏi gốc và câu hỏi đã được chỉnh sửa cho phù hợp với từng vấn đề cụ thể, trong ví dụ này là để xây dựng một mẫu quảng cáo:

- Đối tượng liên quan là ai? (Khách hàng mục tiêu là ai?)

- Điều gì xảy ra? (Quảng cáo nên khơi dậy hành động gì từ khách hàng?)

- Điều đó xảy ra khi nào? (Quảng cáo nên xuất hiện vào thời điểm nào trong tuần?)

- Điều đó xảy ra ở đâu? (Quảng cáo nên xuất hiện ở đâu để khách hàng mục tiêu dễ tiếp nhận nhất?)

- Tại sao điều đó xảy ra? (Tại sao họ nên quan tâm đến ý tưởng quảng cáo đó?)

- Điều đó xảy ra như thế nào? (Làm thế nào để quảng cáo có thể thu hút sự chú ý nhiều nhất?)

Xác định vấn đề

Sử dụng những sự thật đã biết, đưa ra một câu Tuyên ngôn vấn đề thường bắt đầu với: “Làm cách nào để…” và điều chỉnh cho phù hợp. Phương pháp phân tầng vấn đề có thể giúp ích rất nhiều trong việc này. Đây có lẽ là phương pháp mà học viên của tôi thích sử dụng nhất. Về cách làm, vẽ một cái thang và vấn đề sẽ được đặt đâu đó trên cái thang này. Tuyên ngôn vấn đề mang tính chiến lược và ý tưởng được đặt trên bậc cao. Vấn đề về vận hành hay quản lý được đặt ở giữa. Và vấn đề mang tính cấp bách, cần xử lý nhanh được đặt ở dưới.

Giả sử chúng ta bắt đầu với một câu Tuyên ngôn vấn đề ở tầng giữa như: “Làm sao để nhân viên hoàn thành kế hoạch nhanh chóng?”

Chúng ta dịch chuyển xuống bậc dưới thành một câu hỏi mang tính hành động hơn: “Làm cách nào để làm được việc đó”, ví dụ: “Làm cách nào để thưởng/phạt nhân viên khi hoàn thành/không hoàn thành kế hoạch nhanh chóng?” Hay chúng ta có thể dịch chuyển lên trên bằng câu hỏi mang tính ý tưởng hơn: “Tại sao lại làm như vậy?”, ví dụ như: “Tại sao chúng ta cần nhân viên hoàn thành kế hoạch nhanh chóng?”

Các tuyên ngôn ở bậc thấp sẽ dẫn chúng ta tới bước phát triển ý tưởng tập trung vào các hình thức khen thưởng và xử phạt phù hợp. Trong khi tuyên ngôn ở bậc cao sẽ dẫn tới các ý tưởng về các chính sách tuyển dụng và chất lượng nhân sự của công ty hay một quy trình đánh giá kế hoạch hiệu quả hơn hoặc rất nhiều cải tiến khác có thể không liên quan nhiều đến việc làm cho nhân viên hoàn thành kế hoạch nhanh hơn. Vì thế, việc sử dụng câu hỏi “Làm cách nào” hay “Tại sao” sẽ phụ thuộc vào mục tiêu đề ra.

Y2Phát triển ý tưởng

Chúng ta sử dụng phần lớn thời gian vào phương pháp tư duy đa chiều, một cách thức khơi nguồn cảm hứng của chúng ta. Định nghĩa của riêng tôi về một ý tưởng đơn giản chỉ là “Kết nối các vấn đề hiện hữu theo một cách thức mới”. Chúng ta học rất nhiều phương pháp hiện đại nhằm tập trung suy nghĩ để tạo ra những cách kết hợp không ngờ. Sau đó, trong các nhóm nhỏ, chúng ta áp dụng chúng lên Tuyên ngôn vấn đề thực tế của các học viên.

Trong mỗi nhóm, những học viên rụt rè học cách xây dựng ý tưởng dựa trên ý tưởng của người khác và họ cởi mở hơn khi ai đó làm điều tương tự với ý tưởng của họ, để cùng tư duy đột phá cả trong và ngoài khuôn khổ. Để phát triển ý tưởng bằng hình ảnh và ngôn từ cần tư duy một cách ngẫu nhiên, tư duy theo chiều ngược lại, tư duy xoay vòng và cả tư duy “thắt cổ chai”. Phút trước thì nản lòng, ngay sau đó đã bật cười, họ liên tục viết các ý tưởng lên bảng trắng, một số ý tưởng có thể nực cười, nhưng một số ít thì cực kỳ tốt.

Xác định giải pháp

Việc đánh giá tất cả các ý tưởng bằng phương pháp hội tụ rất quan trọng. Tuy nhiên, những buổi thảo luận ý tưởng nhỏ cũng là một trong những cách tốt nhất để phân tích ý tưởng. Việc chuyển đổi mô thức từ giai đoạn tư duy sang phân tích một cách linh hoạt là một kỹ năng mà tôi quan sát thấy một số học viên có thể học rất nhanh một khi họ đã thực hành kỹ năng này.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Thông thường các ý tưởng độc đáo thường khó được mọi người chấp nhận. Nhưng có những phương pháp có thể hỗ trợ việc này. Bằng cách xác định những người có vai trò quyết định, ai trong số họ sẽ chấp nhận hay phản đối, sau đó xây dựng kế hoạch để thuyết phục từng người để có một kết quả thành công.

Trong buổi kết thúc của một lớp học gần đây, một học viên đã nói với tôi: “Tôi luôn nghĩ rằng, tôi không sáng tạo cho lắm, nhưng tôi nhận ra rằng, tôi có thể sáng tạo một số ý tưởng khá tốt.” Điều đó làm tôi thấy thực sự ý nghĩa.

* Nguồn: Doanh Nhân Online

Comments powered by CComment